Chúng tôi bàn luận dựa trên kết quả về kỹ thuật, kết quả phục hồi độ lỏng gối, kết quả phục hồi chức năng theo các bảng lượng giá; so sánh giữa các biến số, giữa nhóm bệnh nhân và với các tác giả khác để tìm ra mối liên hệ đưa tới các kết luận về điều trị.
4.1. Bàn luận về đặc điểm bệnh nhân:
Có tất cả 50 bệnh nhân tham gia trong nghiên cứu, thời gian theo dõi ít nhất là 12 tháng, vào thời điểm hai năm còn 37 bệnh nhân theo dõi được, có 16 bệnh nhân theo dõi trên 2 năm. Thời gian này cũng đủ dài để đánh giá sự trở lại hoạt động của người bệnh.
Chúng tôi chọn đối tượng là những người chơi bóng đá, trong đó có vận động viên chuyên nghiệp ở các giải đấu trong nước và những người chơi nghiệp dư với mục đích rèn luyện sức khỏe. Trong tổng số 50 trường hợp có 17 bệnh nhân (chiếm 34%) là vận động viên bóng đá chuyên nghiệp, tham gia các giải vô địch quốc gia và giải hạng nhất trong nước, còn lại 33 bệnh nhân (chiếm 66%) là người chơi bóng nghiệp dư với mức độ chơi bóng thấp hơn. Mặc dù số lượng còn nhỏ, chúng tôi cố gằng so sánh kết quả phục hồi của hai nhóm đối tượng này.
Chiếm đa số trong nghiên cứu này là nam giới (92%), chỉ có 8% là nữ, 62% trong độ tuổi từ 30 trở xuống. Chúng tôi không so sánh được kết quả điều trị giữa các độ tuổi và giới vì mẫu số không đủ lớn.
Hai dấu hiệu cơ năng gặp nhiều nhất là cảm giác lỏng gối (92%) và đau khi chạy nhảy (72%) (Bảng 3.5). Trong khi đó về dấu hiệu thực thể, 100% có dấu Lachman dương tính (Bảng 3.7) và 96% có teo cơ đùi (Bảng 3.9). Như vậy đây là những triệu chứng quan trọng và có giá trị trong chuẩn đoán đứt dây chằng chéo trước trên bệnh nhân.
Vận động viên có mức độ tuân thủ cao hơn khi so sánh số lần tái khám (Bảng 3.4). Trong 19 bệnh nhân tái khám trên 14 lần, 12 là vận động viên và 7 là người chơi nghiệp dư. Các vận động viên có số lần tái khám trên 14 là 70.6% (12/17 trường hợp) Trong khi đó người chơi nghiệp dư có số lần tái khám tương tự chỉ có 21.2% (7/33). Có thể lý giải mức độ tuân thủ cao hơn của vận động viên vì họ có điều kiện thời gian, tập trung cho việc tập luyện sau mổ; áp lực nghề nghiệp buộc phải phục hồi đúng thời gian; mong muốn trở lại thi đấu…Nhưng, liệu tái khám nhiều lần hơn có giúp tăng khả năng phục hồi chức năng hay không? Chúng tôi tìm mối liên hệ giữa số lần tái khám, nhóm vận động viên và chỉ số Lysholm.
Biểu đồ 3.1 biểu diễn chỉ số Lysholm vào tháng thứ 6 giữa hai nhóm vận động viên và người chơi nghiệp dư cho thấy:
- Vận động viên có chỉ số Lysholm cao hơn nhóm nghiệp dư
- Chỉ số Lysholm ở các nhóm có số lần khám 10 đến trên 14 lần cao hơn ở nhóm có số lần khám ít hơn 10 lần.
Mặc dù vậy, dùng phép kiểm ANOVA, sự khác biệt về chỉ số Lysholm giữa các nhóm có số lần khám khác nhau này không có ý nghĩa thống kê (p=0.53 > 0.05). Kết quả này cũng tương tự các tác giả khác, Grant [32] và Schenck [70] cho thấy không có khác biệt nào về độ vững gối và các chỉ số chức năng giữa nhóm tự tập tại nhà với số lần khám là ít và nhóm tập có hướng dẫn với số lần khám nhiều hơn.
Tuy nhiên trên thực tế, vì trình độ dân trí của chúng ta chưa cao, cơ sở vật chất của các phòng tập chưa đủ, bệnh nhân nên tái khám theo lịch hẹn, vừa để hướng dẫn tập luyện đúng theo giai đoạn, vừa để phát hiện các triệu chứng bất thường hoặc biến chứng.
Một số bệnh nhân có khuynh hướng sợ đau, sợ lỏng lại gối… nên tập ít đi, không theo đúng yêu cầu bài tập về tầm độ khớp, sức cơ, tập chức năng… nên dễ bị các vấn đề như hạn chế gập duỗi, teo cơ, đau kéo dài…Một số bệnh nhân (thường là vận động viên) lại tập quá mức, co gối quá mức, bỏ nẹp trước thời hạn cho phép, chạy nhảy quá sớm…dễ gây lỏng gối trở lại.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, vận động viên có khuynh hướng này do nhiều nguyên nhân: họ có nhiều thời gian dành cho tập luyện; việc tập luyện tương đối dễ dàng với họ vì tố chất cũng như kỹ năng sẵn có nên dễ có tâm lý chủ quan; áp lực nghề nghiệp muốn đốt cháy giai đoạn để trở về thi đấu sớm…Cả hai đối tượng này đều cần được giải thích kỹ lưỡng các giai đoạn tập luyện, lợi ích của việc tập đúng cũng như nguy cơ nếu tập sai hoặc không đúng theo thời điểm.