4.3.3. Bàn luận về mức độ đáp ứng với chương trình tập luyện theo giai đoạn:
Các giai đoạn tập sau mổ phù hợp với mức độ lành và chịu lực của mảnh ghép, do đó việc theo dõi quá trình tập luyện theo giai đoạn là tối cần thiết để đảm bảo phục hồi theo thời gian và tránh ảnh hưởng lên mảnh ghép. Quá trình hồi phục được chia làm 5 giai đoạn với mục tiêu các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn I: 1-2 tuần sau mổ là giai đoạn bảo vệ mảnh ghép.
- Giai đoạn II: 2-4 tuần sau mổ: giai đoạn tập sớm.
- Giai đoạn II: 5-12 tuần sau mổ: giai đoạn vận động có kiểm soát.
- Giai đoạn IV: tháng thứ 4 trở đi, giai đoạn phục hồi chức năng.
- Giai đoạn V: giai đoạn trở lại thể thao.
Giai đoạn I: Trong 50 trường hợp nghiên cứu, tỉ lệ đạt được mục tiêu theo giai đoạn này là 92%, tỉ lệ không đạt là 8%. Lý do chính không đạt tiêu chuẩn là khớp còn máu tụ hoặc sưng đau. Trong vài ngày đầu sau mổ, tràn dịch gối do nguyên nhân: máu tụ và dịch tiết từ quá trình viêm sau mổ.
Sau cuộc mổ, máu tụ có thể từ mạng mạch máu hoạt mạc, từ đường hầm mâm chày và lồi cầu hay do mài khuyết lồi cầu. Quá trình phẫu thuật cũng tạo ra chấn thương dù nhẹ cũng gây phản ứng viêm để làm lành vết thương và dọn dẹp vật lạ nên gối tăng tiết dịch. Một vài trường hợp cơ thể phản ứng với vật liệu cố định dây chằng cũng gây phản ứng viêm. Do đó, chống viêm và phù nề tràn dịch gối trong giai đoạn này là mục tiêu chính.
Chúng tôi đặt dẫn lưu trong vòng 24 đến 48 giờ để dẫn lưu máu tụ. Chúng tôi cũng phối hợp nhiều biện pháp như kê cao chân trong vài ngày đầu, băng ép ngay sau mổ, chườm đá nhiều lần ngay ngày hôm sau, dùng thuốc chống viêm non-steriod để giúp phòng chống hiện tương viêm sau mổ.
Trong giai đoạn này, đau và viêm làm cho bệnh nhân không dám co duỗi gối làm cho hạn chế tầm độ khớp. Chúng tôi có hai trường hợp hạn chế gập và duỗi gối tối đa. Kinh nghiệm của chúng tôi là phải cho bệnh nhân duỗi gối tối đa và gập gối tới 90 độ ngay trong ngày đầu tiên sau mổ.
Bệnh nhân thường có xu hướng để gối ở tư thế gập nhẹ để giảm đau nên dễ dẫn đến hạn chế tầm độ duỗi. Trong khi mổ, sau khi dây chằng đã được cố định, chúng tôi đều thực hiện duỗi gối tối đa và gập gối 90 độ để kiểm tra khớp gối không bị hạn chế cơ học do sai vị trí dây chằng.
Giai đoạn II: Tỉ lệ đạt được mục tiêu theo giai đoạn này là 94%, tỉ lệ không đạt là 6%. Lý do không đạt là hạn chế gập gối và cơ đùi chưa đủ mạnh. Thời điểm 3-4 tuần sau mổ là giai đoạn tái tạo sửa chữa tiếp theo quá trình viêm, rất dễ thành lập mô xơ dính làm hạn chế tầm độ khớp gối. Một số bệnh nhân còn sưng đau nên không dám co duỗi gối làm khớp đơ cứng thêm. Chúng tôi có một trường hợp hạn chế duỗi gối tối đa và gập gối dưới 90 độ sau 4 tuần, một trường hợp còn lại không nâng thẳng chân được do yếu cơ tứ đầu đùi. Kinh nghiệm của chúng tôi là cố gắng đạt được tầm độ khớp như yêu cầu trong giai đoạn này, nếu để đến giai đoạn sau rất khó phục hồi và mất nhiều thời gian công sức tập luyện hơn do gối bị xơ dính nhiều hơn.
Giai đoạn này, một trường hợp tràn dịch tái phát chọc hút 3 lần không khỏi hẳn, lần cuối cùng dịch đục vàng sậm, Rivalta dương tính. Mặc dù bệnh nhân có sốt, bạch cầu tăng nhẹ nhưng cấy không có vi trùng mọc. Chúng tôi quyết định mổ nội soi kiểm tra thì thấy có ít giả mạc, mảnh ghép và các cấu trúc khớp bình thường. Sau khi lấy dịch khớp cấy tìm vi trùng, chúng tôi tiến hành rửa khớp bằng 20 lít nước muối NaCL 9%o, sau đó tiếp tục dẫn lưu tưới rửa liên tục 5 ngày tại phòng bệnh với 5-10 lít nước muối cho đến lúc nước không còn lợn cợn. Kết quả cấy dịch trước mổ, trong mổ và sau 5 ngày đều âm tính. Hiện chúng tôi không xác định được nguyên nhân dịch tiết trên trường hợp này, có thể nguyên nhân do phản ứng của cơ thể với vật liệu cố định dây chằng? chúng tôi không có điều kiện để kiểm chứng.
Giai đoạn III: Tỉ lệ đạt trong giai đoạn này là 94%. Có 3 bệnh nhân (chiếm 6%) là người chơi nghiệp dư không đạt mục tiêu điều trị do lỏng gối, đau khớp chè đùi và trường hợp hạn chế gập gối vẫn không cải thiện được từ giai đoạn trước. Trường hợp lỏng gối mức độ C (IKDC), nguyên nhân bệnh nhân chạy nhảy quá sớm (tuần thứ 8) do không tái khám đúng kỳ hạn.
Đây là giai đoạn dây chằng chưa liền hẳn vào đường hầm, mảnh ghép vẫn chưa được tái cấu trúc, cho nên dây chằng chưa đủ vững chắc để chịu lực chạy nhảy, trong khi triệu chứng đau không còn nên bệnh nhân chủ quan vận động sớm dễ dẫn đến tuột hoặc đứt mảnh ghép.
Trường hợp này cho chúng tôi kinh nghiệm ngoài việc hướng dẫn các bài tập, cần giải thích rõ cho bệnh nhân cả những hoạt động và động tác không được làm trong những giai đoạn đầu khi dây chằng chưa lành hoàn toàn.
Giai đoạn IV: Từ tháng thứ tư trở đi, mục tiêu là chạy, nhảy được, tập được các kỹ năng bóng như đệm bóng, sút bóng, dẫn bóng, chuyền bóng…Muốn như vậy gối phải vững, sức cơ đủ mạnh và không đau khi vận động. Có 46 bệnh nhân (chiếm 92%) đạt được các tiêu chí trên, trong đó bao gồm tất cả 17 vận động viên. Chúng tôi thấy vận động viên có khả năng chạy nhảy và tập bóng trở lại rất dễ dàng do cơ phục hồi nhanh và kỹ năng sẵn có, đó là thuận lợi nhưng cũng là nguy cơ làm lỏng gối nếu bệnh nhân nóng vội muốn đốt cháy giai đoạn tập luyện.
Nhiều vận động viên đạt tiêu chuẩn trở lại thể thao trước tháng thứ sáu như phục hồi sức cơ, nghiệm pháp nhảy xa một chân tốt, phản xạ với bóng nhanh… và đủ khả năng tập luyện với đội trở lại. Điều này cũng phù hợp với kết quả đạt được của các chương trình tập tăng tốc mà vận động viên có khả năng trở lại chơi thể thao vào tháng thứ 4 thay vì 7-8 tháng như kinh điển ( Howel và Taylor) [35]. Tuy nhiên, trên cơ sở sinh học của liền dây chằng [13, 55], trên thực tế nguy cơ chấn thương gối xảy ra do va chạm rất cao, chúng tôi thấy không nên đưa bệnh nhân vào tình huống nguy cơ cao khi không thực sự quá cần thiết.
Giai đoạn V: Mục tiêu của là bệnh nhân chơi thể thao trở lại. Có 3 trường hợp không đạt mục tiêu, một trường hợp do thoái hóa khớp gây đau khi chạy, một lỏng gối không phục hồi và một vận động viên bị đứt dây chằng chéo trước đối bên vào tháng thứ 11. Có 47 trường hợp (chiếm 94%) trở lại chơi thể thao. Chúng tôi sẽ bàn rõ ở phần phục hồi thể thao
Kết quả phục hồi theo giai đoạn tập luyện trong nghiên cứu của chúng tôi tương đương với kết quả của tác giả Trương Trí Hữu [5]. (Bảng 4.5)
Bảng 4.5. So sánh kết quả phục hồi theo giai đoạn tập luyện
Giai đoạn | GĐ 1 | GĐ 2 | GĐ 3 | GĐ 4 | GĐ 5 | |
Số ca đạt (%) | TC. Dũng | 46
(92%) |
47
(94%) |
47
(94%) |
46
(92%) |
47
(94%) |
TT. Hữu | 109
(94.8%) |
108
(93.8%) |
106
(91.3%) |
104
(90.4%) |
92
(80%) |
|
Số ca không đạt (%) | TC. Dũng | 4
(8%) |
3
(6%) |
3
(6%) |
4
(8%) |
3
(6%) |
TT. Hữu | 6
(5.2%) |
7
(6%) |
9
(7.8%) |
11
(9.6%) |
23
(20%) |