“Chơi thể thao để khỏe mạnh sống lâu, vậy mà chết trong khi chơi, một điều tưởng như là nghịch lý hiếm gặp nhưng xảy ra rất thường xuyên.
Trở lại trường hợp trợ lý trọng tài Tân ngất xỉu trong khi kiểm tra thể lực. Mất mát không thể lấy lại được, nhưng rủi ro của một người là bài học đáng giá cho những người còn lại, nhiệm vụ của ngành y học thể thao là phải tìm đến gốc rễ vấn đề để việc đó không xảy ra nữa.
Ngất xỉu (Syncope) và Đột tử
Ngất xỉu thì không có gì xa lạ, ai cũng có lần chứng kiến ai đó, bạn bè, người đi đường tự dưng…xỉu.
Đa số ngất xỉu là tình trạng lành tính do các nguyên nhân như hạ huyết áp tư thế, cường phó giao cảm (sợ hãi…), hạ đường huyết, say nắng (sốc nhiệt), tăng cảm xoang động mạch cảnh, rối loạn thần kinh chức năng… dẫn đến thiếu máu não đột ngột và ngất xỉu.
Tuy nhiên ngất xỉu do vận động (Exercise Induced Syncope) lại khác hoàn toàn.
Ngất xỉu xảy ra trong lúc vận động thể thao là dấu cảnh báo của các bệnh nặng hơn và nguy cơ gây ngưng tim đột ngột – Sudden Cardiac Arrest (SCA), hoặc đột tử do tim – Sudden Cardiac Death (SCD).
Tỉ lệ đột tử tim mạch (SCD) trong thể thao theo số liệu phương Tây là 2-3 người/100.000 người, người lớn tuổi tỷ lệ tăng lên gấp 10 lần (lão hóa tim mạch), chơi nghiệp dư dễ đột tử hơn (vì ít được rèn luyện thể lực).
Theo nghiên cứu của các chuyên gia y học thể thao Đức, một VĐV hoặc người chơi thể thao mà có tiền căn bị ngất xỉu, choáng, mệt, khó thở… khi vận động – cho dù thoáng qua một lần, buộc phải đi khám chuyên sâu tim mạch, siêu âm tim, MRI tim, chụp mạch vành, đeo Holter 24g (theo dõi HA)… cho đến khi nào loại trừ hoàn toàn được bệnh tim mới được thi đấu.”